foto

foto
anh ban be va gia dinh

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Về bài thơ " Hai câu hỏi" của Chế Lan Viên

Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam. Hành trình thơ của ông kéo dài hơn nửa thế kỉ với những chặng đường gắn liền với từng mốc lịch sử đặc biệt: Trước và sau cách mạng tháng Tám, trong chiến tranh và hòa bình. Ông được mọi người thừa nhận là một nhà thơ có năng lực sáng tạo đặc biệt, độc đáo. Bí quyết nào khiến cho Chế Lan Viên _ một nghệ sĩ đi “ từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”, “ từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả” mà hành trình thơ của ông chưa bao giờ hạ cánh? Tìm hiểu và lí giải điều đó cũng là nhằm hướng sâu vào thế giới nghệ thuật của nhà thơ, chặng đường đó được biểu hiện rõ nét trong bốn câu thơ ngắn gọn và xúc tích của bài thơ “ Hai câu hỏi” :

"Ta là ai" Như ngọn gió siêu hình

Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt.

"Ta vì ai?" Khẽ xoay chiều ngọn bấc

Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh.

(Hai câu hỏi)

Bài thơ “ Hai câu hỏi” có thể xem như một tuyên ngôn nghệ thuật khái quát được sự chuyển biến trong tư tưởng của Chế Lan Viên. Trước cách mạng, cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên là “ chủ tướng” của nhóm thơ Bình Định với cái tên khá rùng rợn Trường thơ loạn. Thay mặt cho nhóm thơ này, Chế Lan Viên đã có một tuyên ngôn về thơ nổi tiếng trong lời tựa tập Điêu tàn: Hàn Mặc Tử nói: làm thơ tức là điên. Tôi nói thêm: làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là người Mơ, người Say, người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát hiện tại, nó xối trộn dĩ vãng. Nó ôm trùm tương lai”. Chính cái quan niệm độc đáo khác người này đã hướng hồn thơ Chế Lan Viên đến một thế giới đầy “Kinh dị, lẻ lo và bí mật” như Hoài Thanh đã nhận xét về “ Điêu tàn . Đúng như nhà phê bình Hoài Thanh nhận xét từ năm 1941: “Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở giữa thế kỷ hai mươi, Chế Lan Viên đứng sừng sững như một Tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật… đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị…”. Từ độ 16 tuổi đến lúc viên tịch, quả thực, Chế Lan Viên vẫn chắc chắn và lẻ loi, bí mật, thậm chí sau khi hai tập thơ di cảo đồ sộ của ông ra mắt, ông vẫn tiếp tục để lại sau mình vô vàn niềm kinh dị cho người đọc như lời tiên tri của Hoài Thanh.

Câu hỏi đầu tiên mà nhà thơ đặt ra ở đây là một câu hỏi tu từ : “ Ta là ai?”. Một câu hỏi tưởng như đơn giản, tưởng như đã có lời đáp nhưng đó lại là cả một quá trình vật vã trong tâm hồn thi sĩ để đi tìm tiếng nói mới cho thơ và cùng là đi tìm chính mình bằng con đường nghệ thuật. Hai câu thơ đầu của bài thơ là sự đúc kết chăng đường thơ giai đoạn đầu của Chế Lan Viên:

"Ta là ai" Như ngọn gió siêu hình

Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt.

Câu hỏi “ Ta là ai?” mang chút gì băn khoăn, hoài nghi có tính triết mĩ. Cũng như những nhà thơ Mới khác, cái tôi trữ tình trong thơ Chế Lan Viên cũng vơ, bế tắc trước thực tại của xã hội đương thời.Đi ngược dòng thời gian Chế Lan Viên tìm về giấc mộng quá khứ, trốn vào cõi hư vô, siêu hình. Sống giữa cuộc đời nhưng tâm hồn và cảm xúc của nha thơ lại hướng về một thế giới khác xa xôi, chìm đắm trong hoài vọng của một dân tộc đã điêu tàn.

Tập thơ “ Điêu tàn” chính là tiếng khóc, là nỗi niềm tiếc thương quá khứ, là chán chường hiện tại và mịt mờ tương lai. Trong thơ Chế Lan Viên lúc này xuất hiện cái tôi siêu hình, băn khoăn, nghi ngờ bả thể :

“ Ai bảo giùm ta có ta không?”

( Ta )

Đây là câu hỏi khẳng định bản ngã, khẳng định về ý thức cá nhân trong cuộc đời. Nhưng “ càng đi sâu càng lạnh” cái tôi Chế Lan Viên nghi ngờ luôn bản thể.Câu hỏi hoài nghi cứ lặp đi lặp lại :

Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta

Ý của ai trào lên trong đáy óc?

( Ta )

Trong thơ Chế Lan Viên thường xuất hiện những câu hỏi tu từ mang nổi băn khoăn, hoài nghi. Còn hơn thế Chế Lan Viên quay lưng chối bỏ mọi quan hệ với cuộc đời, đi vào một thế giớ mơ hồ , đi vào cõi vô định của thinh không, vũ trụ. Ở đó nhà thơ “ ngủ trong sao” với nổi cô đơn của mình:

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh

Một vì sao trơ trọi dưới trời xa

Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh

Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo

( Những sợi tơ lòng )

Câu hỏi “ Ta là ai?” như một ám ảnh đeo đuổi nhà thơ khiến nhà thơ phải xót xa:

Hồn tôi là một cánh đồng lẫn khuất

Đau bên đoài nên gió thổi bên đông”

Chế Lan Viên khác hẳn với những nhà thơ Mới đương thời, 17 tuổi Chế Lan Viên đã bộc lộ một cái tôi già nua, luôn luôn băn khoăn và hoài nghi bản thân để hướng tới hoài nghi thực tại.Cái tôi của Chế Lan Viên mang một nổi buồn chán chường, không lối thoát:

Trời ơi chán nản đang vây phủ

Ý tưởng của tôi giữa cõi tang

( Thu )

Trời hỡi hôm nay ta chán chết

Những sắc màu hình ảnh của trần gian

( Tạo lập )

Chế Lan Viên là người nuối tiếc nhiều nhất về quá khứ thơcủa mình và cũng là người nhiệt tâm nhất trên hành trình tư tưởng đi tìm cái mới cho thơ. Hành trình ấy dĩ nhiên không đơn giản vì dù đã giác ngộ thì cái cũ vẫn có lúc chập chờn trong tâm tưởng. Do vậy, Chế Lan Viên phải tiếp tục đấu tranh và hi vọng:

“ Đừng đuổi thơ tôi vì một chiều tà nào bóng ngã

Hãy yên lòng sẽ thấy nắng mai lên”

Với một quan niệm về thơ như vậy lại gặp điều kiện mảnh đất Bình Định với gợi mở là thành cổ Đồ Bàn cùng những ngọn tháp Chàm chứng tích của một dĩ vãng đau thương, uất hận đã hướng thơ Chế Lan Viên càng ngày lạc sâu vào cõi siêu hình, mờ ảo để đến mức ông phải hoảng loạn thốt lên :

Có ai không nắm giùm tay ta lại!

Hãy bẻ giùm cán bút của ta đi !

Lời thơ ta đầy những điệu sầu bi.

Đầy hơi thịt, yêu ma cùng sắp chết”

(Tiết trinh).

Và ông nghi ngờ chính sự tồn tại, hiện hữu của mình “Ai bảo dùm: Ta có, có ta không?”.

Cũng chính quan niệm “làm thơ là làm sự phi thường”, quyết không đi lại những con đường của các nhà Thơ Mới thời ấy, đã khiến cho “Điêu tàn” trở thành hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử thơ ca dân tộc. Ngay từ lúc ấy, chính Chế Lan Viên đã ý thức được sự cô đơn trên nẻo đường riêng của thơ mình:

Đường về thu trước xa lắm lắm

Mà kẻ đi về chỉ một tôi.

Trong lúc Chế Lan Viên đang lạc vào cõi hư vô, siêu hình và ngày càng bi quan; bế tắc vì chưa tìm được hướng đi cho đời, cho thơ mình, thì cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Chính cách mạng đã làm “Thay đổi đời tôi, thay đổi đời tôi” như sau này ông từng khẳng định. Từ một người mộng mơ, suy tưởng về thế giới huyền ảo, ông trở thành một người hành động. Ông chân thành tham gia vào hoạt động cách mạng cùng quần chúng nhân dân. Ông sung sướng “được quên thơ đi” như quên một cái già không thiết thực với cuộc sống sôi động trước mắt. Tuy tư tưởng chính trị và tình cảm của ông rất gần với cách mạng, với nhân dân, nhưng tư tưởng nghệ thuật và tư duy nghệ thuật của ông vẫn còn một khoảng cách khá xa. Do đó, phải mất hơn 10 năm trăn trở trong cuộc “nhận đường”, Chế Lan Viên mới có được sự thay đổi căn bản về quan niệm nghệ thuật và tư duy thơ. Tập thơ “ Ánh sáng và phù sa” ra đời vào năm 1960 đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp thơ của Chế Viên. Ánh sáng của Đảng và phù sa của cuộc đời đã giúp ông chiến thắng được nỗi đau riêng để vương tới niềm vui chung của dân tộc. Và từ đây, những bài thơ hay nhất của ông lần lượt xuất hiện. Và cũng từ đây, thơ ca cách mạng có được một loạt bài thơ viết về thơ mang dấu ấn phong cách rất đậm nét của Chế LanViên.

Chặng đường thơ thứ hai của Chế Lan Viên được thể hiện ở hai câu thơ cuối trong bài thơ “ Hai câu hỏi”:

"Ta vì ai?" Khẽ xoay chiều ngọn bấc

Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh.

Nếu ở đầu bài thơ tác giả đặt ra câu hỏi “ Ta là ai?”, mang một nổi băn khoăn, hoài nghi, thì ở đây Chế Lan Viên dã “ khẽ xoay chiều gó bấc”, hòa vào ngọn gió lớn của cách mạng đem lại. Trong tư tưởng nhà thơ đã có sự chuyể đổi thành “ Ta vì ai?”. Cái tôi nhỏ bé giờ đã hòa vào cái ta chung của cộng đồng, hòa cùng hơi thở nhịp đập của quần chúng nhân dân.

“ Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh” , câu thơ mang một hàm súc đầy ý nghĩa. Tác giả đã dùng phép hoán dụ để nói lên sức mạnh của cách mạng đã hồi sinh, tái tạo lại những hồn thơ mới. Không chỉ Chế Lan Viên ý thức được điều đó mà hầu hết các nhà thơ Mới điều được “ tái sinh”.

Qua thơ Chế LanViên, chúng ta có thể thấy rõ quá trình chuyển hướng thơ của ông hoàn toàn không dễ dàng, đơn giản:

Xưa phù du mà nay đã phù sa

Xưa bay đi mà nay không trôi mất

Cho đến được lúa vàng đất mật

Phải trên lòng bao trận gió mưa qua.

( Thư gửi Tế Hanh )

Và cũng chính là nhờ “ bao trận gió mưa qua” ấy trong cuộc đấu tranh, phấn đấu để tự vượt lên mình đã giúp Chế Lan Viên “ sáng mắt sáng lòng” trên con đường thơ cách mạng, để ông càng thêm tin tưởng, tự hào thực hiện sứ mạng vinh quang của một nhà thơ chiến sĩ.

Trước hết, Chế Lan Viên đặc biệt quan tâm đến những vấn đề cơ bản nhất của thơ. Đó là mục đích của thơ, đối tượng và mạch nguồn sức sống của thơ, là nhiệm vụ của nhà thơ trong sự nghiệp cách mạng. Và để giải đáp được các vấn đề trên, Chế Lan Viên đã trả lời dứt khoát được câu hỏi về bản thể từ lâu đã làm ông suy tư, trăn trở. Từ “ Ta là ai?” đến “ Ta vì ai?” là cả hai chân trời khác nhau trong sáng tạo thơ ca, là cả hai hướng đối lập nhau trong quan niệm nghệ thuật. Mục đích của thơ ông giờ đây đã khác xưa: thơ phải vì cách mạng, vì nhân dân mà phục vụ, mà hướng tới. Mục đích đã thay đổi thì đối tượng thơ cũng thay đổi. “Tôi viết cho ai? Cho tất cả mọi người... Cho ai cũ thơ tôi làm ướt áo. Nay họ về sưởi ấm giữa thơ tôi” (Nghĩ về thơ).

Từ tháp ngà của nghệ thuật, của cái tôi cá nhân quẩn quanh bế tắc trước đây, Chế Lan Viên đã từng xót xa và thấm hiểu thứ thơ “ vô ích” “ cách xa” “ đối lập” với cuộc đời thực: “ Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng”, từ đó ông càng thấm thía thơ hôm nay cần có ích. Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi. Và để thơ hoàn thành sứ mệnh cao cả, nhà thơ cần hoà mình vào cuộc sống của nhân dân, phải đi đến “ Trăm miền đất nước”, để lắng nghe và rung động với âm thanh ríu rít, tràn đầy sức sống của cuộc đời.

Đi ra, lấy cuộc đời dân làm cuộc đời mình

Cơn nắng, cơn mưa làm điều suy nghĩ

Một tiếng chim gù cũng đến nơi rừng lạ để mà nghe.

( Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ...)

Sau cách mạng Chế Lan Viên như một người bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, mê mệt mộng mị. Ra “ cánh đồng vui” Chế Lan Viên như được hồi sinh, quyết liệt dứt bỏ những ám ảnh cũ.Cái tôi trữ tình trong “ Ánh sáng và phù xa” là một cái tôi dứt khoát hướng về quần chúng nhân dân, lấy nhân dân làm đối tượng thẫm mĩ của sang tạo nghệ thuật:

“ Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói long gặp sữa

Chiếc nôi ngừng đã gặp cánh tay đưa”

( Tiếng hát con tàu )

Nhìn chung thơ Chế Lan Viên sau cách mạng đã bám rễ vào “ cánh đồng vui” Hồn thơ Chế Lan Viên đã thoát ra khỏi nơi bong tối “ Điêu tàn” thực sự hòa nhập vào “ Ánh sang và phù sa” rộng mở của cuộc đời.

Bài thơ “ Hai câu hỏi” là một sự trải nghiệm của cả một chặng đường thơ, của sự đấu tranh, dằn vặt để đi tìm lối đi mới cho thơ. Bài thơ ngắn gọn, xúc tích nhung gói gọn cả một chặng đường daid đầy gian khổ của một nhà thơ luôn tự đấu tranh với chính mình để đi tìm những gia trị mới cho thơ. “Hãy biết ơn vị muối của đời đã cho thơ chất mặn”- Cuối cùng Chế Lan Viên đã tìm ra chân lí của sự sang tạo nghệ thuật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Thị Hường, Giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975

2. Hồ Thế Hà, Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên ( chuyên luận )

3. Google.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét